Ông Lê Thanh Nam, sinh năm 1971, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đến nhận công tác tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội
VĂN BẢN MỚI BAN HÀN H
Bổ nhiệm Chánh Văn phòng UBND Thành phố
Ngày 21/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3118/QĐ-UBND về việc tiếp nhận, bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Thanh Nam, sinh ngày 04/3/1971, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đến nhận công tác tại Văn phòng UBND Thành phố và giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 05 năm kể từ ngày ký. Ông Lê Thanh Nam được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 1,0.
Phê duyệt Đề cương Không gian triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9
Ngày 21/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3104/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương Không gian triển lãm "Thành tựu kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025)".
Theo Quyết định, với mục đích góp phần tham gia tổ chức thành công Triển lãm toàn quốc với chủ đề "Rạng rỡ Việt Nam, 80 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước"; đồng thời, tôn vinh những thành tựu, những đóng góp, cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô luôn phấn đấu vì sự phát triển giàu mạnh của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân; niềm tin sắt son vào con đường cách mạng mà Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Nhân dân ta đã lựa chọn, phấn đấu xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", vững bước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu để Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế có được thông tin đầy đủ hơn về Thủ đô và đất nước trong mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới.
Không gian triển lãm của Hà Nội sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm toàn quốc diễn ra từ ngày 28/8 đến 05/9/2025 tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh với quy mô khoảng 700m², nằm trong khu vực trưng bày "Tỉnh giàu, nước mạnh" thuộc Phân khu 1 "Việt Nam - hành trình đến kỷ nguyên mới".
Nội dung trưng bày chia làm 3 không gian: Không gian 1 - Hà Nội vang mãi bản hùng ca: Tái hiện bối cảnh Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám trong thời kháng chiến chống Pháp - Mỹ, giải phóng Thủ đô, giai đoạn chiến tranh, đặc biệt các sự kiện tiêu biểu: Lập Đảng bộ Hà Nội năm 1930; Cách mạng Tháng Tám và đọc Tuyên ngôn Độc lập (02/9/1945); 60 ngày đêm kháng chiến (1946); Tiếp quản Thủ đô (10/10/1954); "Điện Biên Phủ trên không" (1972); Kháng chiến chống Mỹ (30/4/1975). Trưng bày phương thức đa dạng từ mô hình, hiện vật, phim tư liệu, hình ảnh pano, công nghệ tương tác và ánh sáng âm thanh...
Không gian 2 - Tái thiết, đổi mới và phát triển cùng đất nước: trưng bày thành tựu khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại thời bao cấp; xây dựng hạ tầng quan trọng: cầu, bệnh viện, nhà máy; khu nhà tập thể; khai hoang kinh tế mới); thành tựu kinh tế - xã hội trong 40 năm đổi mới: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị, nông thôn, an ninh, quốc phòng, hợp tác, đối ngoại... Phương thức trưng bày bằng hình ảnh, mô hình, phim tài liệu, trải nghiệm ẩm thực, công nghệ tương tác...
Không gian 3 - Tư duy phát triển mới - xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại - kết nối toàn cầu: Giới thiệu định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", "Kết nối toàn cầu". Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" tạo ra những "cơ hội mới - giá trị mới" để phát triển Thủ đô trong Kỷ nguyên mới. Và định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 theo phương thức trưng bày: Phim tài liệu, sa bàn quy hoạch tổng thể, trải nghiệm ảo, ứng dụng công nghệ số, AI, Rô bốt kết hợp sắp đặt âm thanh, ánh sáng.
UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phê duyệt Phương án đảm bảo các nội dung theo Đề cương được UBND Thành phố phê duyệt; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức và báo cáo tiến độ.
Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm phối hợp truyền thông, tuyên truyền về Triển lãm, đồng thời chỉ đạo Bảo tàng Hà Nội hỗ trợ công tác thuyết minh và trưng bày.
Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí tổ chức và tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội 40 năm đổi mới.
Các sở: Công Thương, Du lịch, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, cùng các quận, huyện, thị xã sẽ phối hợp cung cấp dữ liệu, hiện vật, mô hình phục vụ công tác trưng bày.
Bổ nhiệm lại Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội
Ngày 20/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3097/QĐ-UBND về việc bổ nhiệm lại chức vụ Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Theo Quyết định, Bổ nhiệm lại ông Nguyễn Đức Hùng, sinh ngày 15/10/1965, tiếp tục giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội kể từ ngày 25/5/2025 đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Ông Nguyễn Đức Hùng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 0,8.
Điều động, bổ nhiệm Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố
Ngày 20/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định 3096/QĐ-UBND về việc điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, điều động và bổ nhiệm ông Dương Đức Hiền, sinh ngày 17/8/1983, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Phúc Thọ, đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố. Thời hạn bổ nhiệm là 05 năm kể từ ngày ký quyết định. Ông Dương Đức Hiền được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo với hệ số 0,8 theo quy định hiện hành.
Bổ nhiệm Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo
Ngày 22/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3120/QĐ-UBND về việc tiếp nhận, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Sỹ Trường, sinh ngày 18/5/1977, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc tại Sở Dân tộc và Tôn giáo với thời hạn bổ nhiệm là 05 năm. Ông Nguyễn Sỹ Trường được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 1,0 theo quy định.
Bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Ngày 22/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND về việc tiếp nhận, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, tiếp nhận và bổ nhiệm ông Trần Anh Tuấn, sinh ngày 28/02/1977, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội từ ngày 01/7/2025, với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Ông Trần Anh Tuấn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 1,0.
Giao hơn 383.000m 2 đất tại Ba Vì cho Công ty cổ phần Ao Vua để thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng
Ngày 20/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3091/QĐ-UBND về việc giao 383.198,5m 2 đất tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì cho Công ty cổ phần Ao Vua để thực hiện dự án đầu tư Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng (giai đoạn 2).
Theo Quyết định, giao 383.198,5m2 đất tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì được UBND huyện Ba Vì xác nhận hoàn thành việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Vị trí, ranh giới được xác định tại Bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỷ lệ 1/500 dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần PARABOL lập năm 2025, được UBND huyện Ba Vì phê duyệt và không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong tổng diện tích giao đất 383.198,5 m² có 292.354,5 m² dùng để xây dựng công trình phụ trợ, dịch vụ, kỹ thuật, bãi đỗ xe, cây xanh, mặt nước, đường giao thông và đất an táng do Chủ đầu tư khai thác sử dụng; thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài với tiền thuê sử dụng đất. Và 90.844 m² đất an táng thuộc quyền khai thác của Thành phố; sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao cho Thành phố khai thác sử dụng theo quy định.
Công ty cổ phần Ao Vua có trách nhiệm chủ động xác định và nộp tiền sử dụng đất theo quy định; làm thủ tục đăng ký đất đai và xin phép xây dựng. Sử dụng đúng mục đích theo ranh giới đất được giao; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và tuân thủ pháp luật. Trong vòng 12 tháng kể từ khi bàn giao, phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Công ty cổ phần Ao Vua được gia hạn sử dụng 24 tháng; hết thời hạn được gia hạn mà Công ty cổ phần Ao Vua vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng nội dung quy định tại Quyết định này thì UBND Thành phố thu hồi đất mà không bồi thường.
Các cơ quan liên quan: Sở Nông nghiệp - Môi trường, Chi cục Thuế, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND huyện Ba Vì, xã Vật Lại có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, nghiệm thu, giám sát và xử lý vi phạm.
Triển khai các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại sông Nhuệ - Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Ngày 21/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại sông Nhuệ - Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao hiệu quả kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước tại các lưu vực sông nêu trên. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý sông và tích hợp các kế hoạch, chương trình hành động đã được ban hành trước đây còn hiệu lực tại thời điểm hiện tại có liên quan đến các lưu vực sông.
UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch với 05 nhóm giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước bao gồm:
(1) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường: Đầu tư công trình thu gom - xử lý nước thải đô thị, làng nghề; huy động mọi nguồn lực và xây dựng hệ thống quan trắc tự động đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn; (2) Quản lý, kiểm soát nguồn thải: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý các nguồn thải ra các lưu vực sông; xây dựng và tổ chức triển khai quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép môi trường; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp giấy phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường; (3) Quản lý chất lượng nước mặt: Đánh giá diễn biến chất lượng nước; rà soát mạng lưới các điểm quan trắc, bổ sung các điểm, trạm quan trắc bao gồm cả tự động, liên tục tại vị trí đặc biệt ô nhiễm; (4) Thanh tra, kiểm tra - xử lý vi phạm về môi trường: Tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý nghiêm vi phạm xả thải. Yêu cầu đình chỉ hoạt động hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nếu không đạt chuẩn; (5) Tuyên truyền nâng cao nhận thức: Truyền thông sâu rộng tới người dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường nước.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng yêu cầu thực hiện 14 nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung các hoạt động nổi bật như: hoàn thiện danh mục nguồn thải có tác động đến chất lượng nước tại các lưu vực sông; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải; quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước các lưu vực sông. Duy trì, vận hành hiệu quả trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động liên tục trên sông Cầu Bây tại Trạm bơm Am, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm; đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: Công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy; xem xét tạm thời không cấp phép đầu tư mới hoặc cho phép mở rộng quy mô sản xuất đối với các cơ sở có nguồn thải vào sông Ngũ Huyện Khê...
Về tổ chức thực hiện có một số quy định chung: Triển khai đồng bộ Luật Bảo vệ môi trường 2020; Luật Tài nguyên nước 2023; các Sở ngành có liên quan, UBND các quận huyện (hoặc chính quyền địa phương sau khi hoàn thiện tổ chức 2 cấp), thị xã; phối hợp thực hiện Đề án phục hồi nguồn nước sau khi Thủ tướng phê duyệt. Đối với quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND; rà soát, xây dựng, thực hiện các dự án nạo vét, sửa chữa công trình thủy lợi; chỉ đạo công ty thủy lợi duy trì hệ thống sông Cầu Bây đảm bảo dòng chảy thông thoáng. Rà soát, điều chỉnh phí bảo vệ môi trường với nước thải.
Quy định cụ thể trách nhiệm đối với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan: Sở Nông nghiệp và Môi trường: Rà soát đánh giá toàn diện hiện trạng, hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi; xây dựng dự án, kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi trên các lưu vực sông; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố định kỳ hoặc đột xuất kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị; Sở Xây dựng: Rà soát hạ tầng thu gom, xử lý nước thải toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên; thúc đẩy đầu tư các nhà máy xử lý nước thải (ưu tiên 2022-2025 và 2026-2030); triển khai vận hành các nhà máy: Kim Liên, Yên Sở, Trúc Bạch, Hồ Tây, Sơn Đồng,...Quản lý duy trì các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ. Đề xuất bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch; Sở Công thương: Rà soát cụm công nghiệp, đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường. Đảm bảo cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; Sở Khoa học và Công nghệ: Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm sông. Ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường…; Sở Quy hoạch - Kiến: Trúc tích hợp quy hoạch thoát nước vào quy hoạch chung đến năm 2045 - tầm nhìn 2065; Sở Tài chính: Đề xuất cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa xử lý nước thải. Hướng dẫn tính giá dịch vụ xử lý nước thải. Ưu tiên ngân sách đầu tư cho nhà máy Phúc Đồng, An Lạc (quận Long Biên). Kiên quyết không hỗ trợ dự án vi phạm môi trường; Công an Thành phố: Điều tra, xử lý nghiêm vi phạm môi trường. Có thể xem xét xử lý hình sự hành vi xả thải nghiêm trọng; Ban QLDA ĐTXD công trình Hạ tầng kỹ thuật & Nông nghiệp triển khai, hoàn thành các dự án được giao làm chủ đầu tư; UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất, triển khai hệ thống xử lý nước thải tại làng nghề. Kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, hộ dân vi phạm. Chỉ đạo đơn vị thu gom rác, duy trì vệ sinh môi trường; Ban Quản lý Khu công nghệ cao và KCN Hà Nội kiểm tra trạm xử lý nước thải trong KCN đảm bảo đạt chuẩn; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vận hành Trạm bơm Yên Sở, đập Thanh Liệt để hạn chế ô nhiễm mùa khô; các Công ty Thủy lợi (Sông Nhuệ, Sông Đáy, Hà Nội) vận hành công trình, trạm bơm theo quy chế; cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân và tổ chức cùng thực hiện kế hoạch; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn. Thu gom, phân loại chất thải rắn và chuyển giao đơn vị xử lý.
Cấp, quản lý mã số vùng trồng hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu
Ngày 23/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Kế hoạch nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số theo quy định tại Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố; thực hiện quản lý vùng trồng đã được cấp mã số đúng quy định góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại, đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Về công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn: Dự kiến tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý cấp xã, hợp tác xã,… khoảng 40 lớp, mỗi xã 2-3 lớp vào năm 2026; hàng năm tổ chức tập huấn về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật nhằm phục vụ cho công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất: Trung bình 130 lớp/năm và tuyên truyền khoảng 5 chuyên đề trên báo và phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật.
Đối với công tác kiểm tra, thẩm định và giám sát hồ sơ cơ sở xin cấp mã số vùng trồng: mỗi năm khoảng 50 cơ sở được thẩm định. Đồng thời, kiểm tra và giám sát các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022 đến hạn và cả các vùng đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ theo quy định cho 50 mã số vùng trồng và thiết lập vùng không nhiễm sinh vật gây hại gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu, tập huấn cho nông dân trực tiếp sản xuất; lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Sở Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch. UBND các xã, phường có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu tập huấn, cấp mã số vùng trồng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn, hướng dẫn lập hồ sơ, kiểm tra sử dụng mã số vùng trồng và phối hợp trong lựa chọn, thực hiện hình thành và duy trì, phát triển các vùng không nhiễm sinh vật gây hại gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.
Cho phép Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bánh đa nem Trung Hà"
Ngày 23/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3126/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà sử dụng địa danh "Trung Hà" để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Bánh đa nem Trung Hà cho sản phẩm và dịch vụ mua bán: Bánh đa nem ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh.
Theo Quyết định, cho phép Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà sử dụng địa danh "Trung Hà" tương ứng với bản đồ đã được UBND huyện Mê Linh xác nhận để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập Bánh đa nem Trung Hà cho sản phẩm và dịch vụ mua bán sản phẩm bánh đa nem thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ số 30 và 35 của Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice.
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà có trách nhiệm xây dựng các văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể, đảm bảo việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định. Trường hợp địa danh "Trung Hà" bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc bánh đa nem Trung Hà chuyển sang đăng ký bảo hộ "Nhãn hiệu chứng nhận", UBND Thành phố thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép tại Quyết định này.
Cho phép Hợp tác xã sản xuất hoa chất lượng cao xã Tam Thuấn sử dụng địa danh "Tam Thuấn" để đăng ký nhãn hiệu tập thể "Hoa Tam Thuấn"
Ngày 23/6 UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3128/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã sản xuất hoa chất lượng cao xã Tam Thuấn sử dụng địa danh "Tam Thuấn" để đăng ký nhãn hiệu tập thể Hoa Tam Thuấn cho sản phẩm và dịch vụ mua bán: Hoa tươi ở xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, cho phép Hợp tác xã được sử dụng địa danh "Tam Thuấn", kèm theo bản đồ địa lý tương ứng đã được UBND huyện Phúc Thọ xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể Hoa Tam Thuấn cho sản phẩm và dịch vụ mua bán từ Hoa tươi thuộc các nhóm hàng hóa, dịch vụ số 31 và 35 của Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice.
Hợp tác xã sản xuất hoa chất lượng cao xã Tam Thuấn có trách nhiệm xây dựng các văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể; tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan.
Trường hợp địa danh "Tam Thuấn" bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của Hợp tác xã hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc hoa tươi Tam Thuấn chuyển sang đăng ký bảo hộ "Nhãn hiệu chứng nhận hoặc Chỉ dẫn địa lý", UBND Thành phố có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cấp phép./.